Địa hình tác chiến Trận_Thượng_Đức_(1974)

Về địa hình: Thượng Đức ở phía Tây tỉnh Quảng Nam, (thuộc huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Đà theo cách phân chia của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam), cách thành phố Đà Nẵng 40 km, là tiểu đồn bảo vệ căn cứ Liên hiệp Quân sự Đà Nẵng. Tại đây Quân lực Việt Nam Cộng hòa dựa vào thế hiểm yếu của địa hình, xây dựng hệ thống phòng thủ liên hoàn vững chắc, có chiều sâu. Toàn bộ cơ quan chỉ huy thông tin, hệ thống kho đều nằm sâu trong lòng đất bởi bê tông cốt thép bao bọc dày 20 cm. Các năm 1968, 1969, rồi năm 1970, Quân Giải phóng Khu 5 đã 3 lần tiến công Thượng Đức đều bất thành, cứ sau mỗi lần bị đánh, Quân lực Việt Nam Cộng hòa lại rút kinh nghiệm và tăng cường, hệ thống phòng thủ kiên cố, liên hoàn hơn.

Ở Thượng Đức, Quân lực Việt Nam Cộng hòa tổ chức lực lượng bố phòng bao gồm: Tiểu đoàn 79 biệt động; 1 đồn biên phòng; 1 đại đội bảo an; 17 trung đội dân vệ; 1 trung đội pháo binh 105mm; 1 trung đội cảnh sát dã chiến và 1 trung đội thám báo. Toàn bộ lực lượng là 950 lính, do Thiếu tá Quận trưởng Nguyễn Quốc Hùng chỉ huy.

Bảo vệ bên ngoài hệ thống phòng thủ chi khu Quận lỵ Thượng Đức còn có 1 trận địa pháo 105mm 2 khẩu; 2 khẩu cối 106,7mm; 5 khẩu ĐKZ 81mm, 2 khẩu cối 81mm; 7 khẩu cối 60mm; 27 khẩu đại liên M30 - M60. Trên các hướng tây, bắc tây bắc đề phòng bị tấn công, Quân lực Việt Nam Cộng hòa bố trí dày đặc mìn chống tăng và chống bộ binh. Khu trung tâm Thượng Đức có 7 lớp hàng rào rộng từ 70 đến 200m xen kẽ là rào bùng nhùng, rào đơn, rào mái nhà, rào cũi lợn, rào chống tăng, rào phản xung phong. Phía xa hơn Thượng Đức là các trận địa pháo 105mm ở Núi Đất, Ái Nghĩa sẵn sàng chi viện. Khi cần yểm trợ bằng không quân thì trong một ngày ở Đà Nẵng máy bay A37, trực thăng vũ trang tần suất cất cánh 30 đến 40 lần chiếc lên Thượng Đức oanh tạc khu vực nghi có đối phương, hoặc đối phương tiến công chi khu. Ngoài ra, Sư đoàn 3 và Sư đoàn dù Quân lực Việt Nam Cộng hòa là lực lượng dự bị sẵn sàng tăng cường chiến đấu bảo vệ chi khu Quận lỵ Thượng Đức.[1]

Nói về cứ điểm này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu của Việt Nam cộng hòa kiêu hãnh đặt cho tên gọi “Mắt ngọc của đầu Rồng”. Còn Tỉnh trưởng Quảng Nam trước trận đánh khẳng định chắc nịch đây chính là “cánh cửa thép” bất khả xâm phạm, một điểm chiến lược dễ thủ khó công, là niềm tự hào, là chỗ dựa đáng tin cậy của Vùng I chiến thuật, của căn cứ quân sự liên hợp miền Trung. Nhờ “mắt ngọc” này, Quân lực Việt Nam Cộng hòa dễ dàng quan sát và đánh phá đường tiến quân của Quân Giải phóng từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ Chí Minh. Hơn nữa, để tiến quân vào giải phóng Đà Nẵng buộc quân Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam phải phá được căn cứ này vì đây là tiền đồn chiến lược bảo vệ căn cứ quân sự và sân bay Đà Nẵng.[5]